Trồng Nấm Rơm 2025: Cách Trồng Nấm Rơm Bằng Lá Chuối Khô
Video hướng dẫn trồng nấm Rơm trên lá chuối khô.
Có bao giờ bạn nghĩ rằng mình có thể biến những chiếc lá chuối héo úa trong vườn nhà trở thành nguyên liệu để sản xuất ra những luống nấm Rơm thơm ngon và bổ dưỡng? Điều đó không những là sự thật mà bạn còn có thể thực hiện nó một cách dễ dàng. Hãy cùng Làng nấm Bốn Mùa khám phá về cách trồng nấm Rơm trên lá chuối khô chỉ với 4 bước vô cùng đơn giản ngay sau đây nhé!
Mẹo chọn lá chuối để trồng nấm Rơm
Để đạt được năng suất và chất lượng cao khi trồng nấm Rơm, việc lựa chọn nguyên liệu là yếu tố quan trọng hàng đầu. Lá chuối, một nguồn tài nguyên dồi dào và dễ kiếm, đã được chứng minh là một môi trường trồng nấm Rơm lý tưởng.
Bạn có thể sử dụng lá chuối từ bất kể giống chuối nào để trồng nấm Rơm và khi sử dụng thì nên lấy lá chuối khô trên thân hoặc mới rụng để làm nguyên liệu là tốt nhất.
Nên dùng lá chuối khô trên thân hoặc mới rụng để trồng nấm Rơm
Không nên sử dụng lá chuối đã mục nát, xuất hiện mốc hay côn trùng làm tổ …để trồng nấm Rơm vì loại lá chuối này không chỉ thiếu chất dinh dưỡng mà còn có thể mang theo nhiều nguồn gây bệnh cho nấm.
Đọc thêm: Chuyên đề 4 - Cách trồng nấm Rơm trên bông vải như thế nào?
Để đảm bảo việc trồng nấm Rơm bằng lá chuối khô thành công, bạn nên thu gom lá chuối vào những ngày nắng ráo, sau đó phơi khô hoàn toàn trước khi đem đi xử lý.
Cách trồng nấm Rơm bằng lá chuối khô
Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ
Cách trồng nấm Rơm trên lá chuối khô cũng rất đơn giản. Để bắt đầu cuộc hành trình này bạn cần chuẩn bị một số dụng cụ và nguyên liệu cần thiết như sau:
- Dụng cụ pha nước vôi: chậu, xô thau…
- Vôi nông nghiệp.
- Đồ bảo hộ: găng tay, khẩu trang, kính mắt, mũ, giày, áo bảo hộ…
- Giống nấm Rơm chất lượng tốt.
- Chất bổ sung dinh dưỡng cho nấm Rơm: cám bắp, cám gạo…
- Bạt phủ nilon, lưới đen (lưới lan).
Bước 2: Pha nước vôi ngâm lá chuối
Để đảm bảo quá trình khử trùng và tạo môi trường pH thích hợp (12-13) cho sự phát triển của nấm Rơm, việc pha nước vôi để ngâm nguyên liệu là một công đoạn vô cùng quan trọng và cần lưu ý các tiêu chí dưới đây:
- Chất lượng nguồn nước: sử dụng nguồn nước sạch, không nhiễm phèn, mặn hay tạp chất…để pha nước vôi và ngâm lá chuối. Chất lượng nguồn nước không đảm bảo có thể làm chết tơ nấm Rơm hoặc dẫn đến sự phát triển của các vi sinh vật có hại.
- Tỷ lệ pha vôi: pha vôi tôi với tỷ lệ là 1Kg vôi với 50 lít nước. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể thay đổi để nước ngâm nguyên liệu đạt được độ pH từ 12-13 như yêu cầu.
- Hòa tan vôi: vôi tôi hòa tan trong thiết bị đựng rồi đổ vào bồn xử lý nguyên liệu. Kiểm tra lại độ pH và bổ sung thêm vôi nếu cần thiết để đạt được độ pH phù hợp (12-13).
- Ngâm lá chuối: đảm bảo rằng lượng nước vôi phải đủ để phủ kín lá chuối và ngâm trong 24 giờ. Việc ngâm lá chuối trong nước vôi sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc và các nguồn gây bệnh hại, bên cạnh đó còn giúp cân bằng độ pH phù hợp cho nấm Rơm phát triển. Sau khi ngâm đủ thời gian, bạn vớt lá chuối ra để trên kệ cho róc bớt nước.
Các bước chuẩn bị xử lý lá chuối khô trồng nấm Rơm
Bước 3: Lên luống trồng nấm Rơm
Sau khi đã chuẩn bị kỹ càng nguyên liệu, chúng ta sẽ tiến hành tới bước tiếp theo trong quy trình trồng nấm Rơm trên lá chuối khô, đó là lên luống.
a. Chọn vị trí trồng nấm Rơm bằng lá chuối
Để có thể trồng nấm Rơm trên lá chuối khô hiệu quả và năng suất cao, vị trí trồng nấm cần đáp ứng các tiêu chí như:
- Sạch sẽ, thoáng mát: nấm Rơm ưa bóng râm và không khí ẩm nên cần chọn nơi trồng thoát mát, tránh ánh nắng trực tiếp và nguồn ô nhiễm gây bệnh.
- Tránh gió lùa: gió lùa mạnh có thể làm khô mô nấm, ảnh hưởng tới quá trình phát triển của tơ nấm Rơm.
Tham khảo: 11 Công dụng tuyệt vời cho sức khỏe ít biết của nấm Hầu thủ
b. Thiết kế luống trồng nấm Rơm trên lá chuối
- Vệ sinh khu vực trồng: trước khi tiến hành lên luống trồng nấm Rơm bằng lá chuối khô, bạn nên vệ sinh khu vực trồng bằng các dụng vụ vệ sinh hoặc sử dụng nước vôi vừa ngâm nguyên liệu để khử khuẩn nền nuôi trồng.
- Kích thước luống: chiều ngang luống khoảng 1m, chiều cao khoảng 30cm, chiều dài tùy thuộc vào diện tích trồng nấm Rơm.
Lựa chọn vị trí trồng để nấm Rơm phát triển tốt
Bước 4: Cấy giống nấm Rơm
- Chuẩn bị meo giống: bóp nhuyễn nhẹ nhàng bịch meo giống cùng với các chất phụ gia dinh dưỡng như bột cám gạo, bột cám bắp. Tỷ lệ phối trộn giữa 2 loại này là: 1:1
- Xếp lớp luống: xếp 1 lớp lá chuối ở dưới làm đáy luống, đè nhẹ lớp đáy để tạo độ chặt vừa phải sao cho độ dày khoảng 15-20cm, chỉnh các góc cạnh cho luống nấm Rơm gọn gàng.
- Cấy meo giống: tiến hành rải đều lớp meo giống đầu tiên lên trên lớp đáy theo đường vòng quanh, cách mép luống khoảng 3-5 cm. Sau đó, phủ 1 lớp lá chuối lên trên từng lớp giống sao cho mỗi luống đảm bảo có 2 lớp meo giống và 3 lớp lá chuối. Cuối cùng, lấy bạt nilon phủ kín toàn bộ luống nấm Rơm sau khi cấy giống.
Kiểm tra tơ nấm Rơm trồng trên lá chuối
Sau 7-8 ngày kể từ thời điểm cấy giống nấm Rơm, tơ nấm bắt đầu sinh trưởng và phát triển, bao phủ khắp bề mặt luống. Đây là thời điểm mà bạn cần quan sát và theo dõi kỹ lưỡng để nấm Rơm phát triển tốt, chất lượng.
Kiểm tra độ ăn tơ nấm Rơm trên lá chuối khô
- Kiểm tra sợi nấm: cởi bỏ lớp nilon phủ trên luống và quan sát. Nếu sợi nấm xuất hiện nhiều, phủ kín bề mặt luống và có màu trắng sáng thì chứng tỏ quá trình sinh trưởng tơ nấm tốt.
- Thay đổi vật liệu phủ: sử dụng tấm lưới đen (lưới lan) để phủ lên toàn bộ bề mặt luống thay thế cho tấm nilon.
- Tưới sương: khi nấm con bắt đầu hình thành và phát triển, chúng ta có thể tưới sương nhẹ lên bề mặt lưới đen để cung cấp thêm độ ẩm cho nấm Rơm. Tránh tưới quá nhiều hoặc tưới trực tiếp vào tơ nấm vì có thể làm hư hại hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn bệnh phát triển. Nên tưới nước cho nấm Rơm 1 lần vào buổi sáng.
Nên đọc: Mua nấm Mối đen - Cẩn thận kẻo "Tiền mất tật mang"!
Qua bài viết này, Làng nấm Bốn Mùa hy vọng đã giúp bạn có thêm kiến thức để có thể biết “cách trồng nấm Rơm trên lá chuối khô”. Hãy bắt tay thực hiện ngay hôm nay và cảm nhận những niềm vui mà việc trồng nấm Rơm mang lại nhé!