Trồng nấm Rơm 2025 - Làm nhà trồng nấm Rơm chuẩn từ A-Z
Ở phần 1, chúng ta đã biết rằng, nấm Rơm là loại nấm rất nhạy cảm với các yếu tố của môi trường. Vì vậy, việc xây dựng nhà trồng nấm hợp lý để tạo ra môi trường sống lý tưởng cho nấm Rơm đạt năng suất cao là điều cần thiết.
Vậy thiết kế nhà trồng nấm Rơm đúng kỹ thuật như thế nào và cần những thiết bị hỗ trợ gì? Cùng Làng nấm Bốn Mùa tìm hiểu qua bài viết này nhé!
I. Chọn vị trí xây trại trồng nấm Rơm
Để trồng nấm Rơm đạt hiệu quả cao và thành công, việc lựa chọn vị trí là vô cùng quan trọng. Vì thế, chúng ta cần nắm vững những yêu cầu sau:
Lựa chọn khu vực cao ráo, thoáng mát, không ngập úng để trồng nấm Rơm. Địa điểm trồng nấm cần được bảo vệ tránh ánh nắng trực tiếp, vì thế nên lựa chọn những nơi có bóng mát.
Ngoài ra, để tránh nấm Rơm bị nhiễm bệnh trong quá trình nuôi trồng, cần giữ cho khu vực trồng nấm sạch sẽ, tránh các nguồn gây bệnh như cống rãnh, chuồng trại, bãi rác…
Việc tuân thủ đúng các yếu tố trên sẽ giúp nấm Rơm phát triển tốt, ổn định, năng suất cao và chất lượng đảm bảo.
Đọc thêm: Thiết kế nhà trồng nấm Mối đen hiệu quả, năng suất cao.
II. Các bước xây dựng trại trồng nấm Rơm
2.1. Chuẩn bị nền đất trồng nấm Rơm
Nền đất đóng một vai trò quan trọng trong quá trình nuôi trồng nấm Rơm. Một nền đất được chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ tạo tiền đề cho các mô nấm chắc chắn, thuận lợi cho nấm Rơm phát triển, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Các bước chuẩn bị nền đất trồng nấm Rơm:
- Làm sạch mặt bằng, phơi đất: loại bỏ hết cỏ dại và xới đất bung xốp, phơi đất dưới ánh nắng mặt trời từ 1-2 ngày để tiêu diệt bớt mầm bệnh và vi sinh vật gây hại.
- Hướng luống trồng nấm Rơm: hướng luống trồng nấm Rơm nên nằm dọc theo hướng gió và hướng nắng để hạn chế các tác động gây nóng hay khô mô nấm.
- Thiết kế luống: đắp luống trồng nấm Rơm theo kiểu mai rùa với kích thước các luống như sau:
- Chiều cao: 5-10 cm là phù hợp vì tạo điều kiện thông thoáng cho nấm Rơm phát triển.
- Chiều rộng: 1-1,2 m là lý tưởng để thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch nấm Rơm.
- Chiều dài: tùy thuộc vào chiều dài khu đất trồng và quy mô sản xuất.
- Khoảng cách luống: 0,5-0,8m để vừa tận dụng tối đa diện tích trồng nấm Rơm nhưng vẫn đảm bảo thuận tiện khi chăm sóc, thu hoạch.
- Nén chặt đất: mục đích là tạo bề mặt phẳng cho mô nấm Rơm, giúp mô nấm ổn định, không bị xê dịch. Sau khi làm luống, dùng chân hoặc dụng cụ chuyên dụng nén chặt bề mặt luống từ trong ra ngoài và hai bên để mô nấm tạo thành 1 khối chắc chắn.
- Đào rãnh thoát nước:
- Rãnh giữa các luống: đào rãnh với độ sâu khoảng 15cm, rộng 10cm để thoát nước, tránh ngập úng khi trồng nấm Rơm.
- Rãnh bao quanh: đào rãnh bao quanh khu vực trồng nấm Rơm để thu gom nước và dẫn ra ngoài, giữ cho khu vực trồng nấm Rơm luôn khô ráo.
Tham khảo: Chuyên đề 1 - Đặc điểm sinh trưởng cơ bản của nấm Rơm là gì?
2.2. Làm lán trại trồng nấm Rơm
Thiết kế và xây dựng lán trại trồng nấm Rơm hợp lý là quan trọng vì đây là nơi tạo ra môi trường phù hợp để quả thể nấm sinh trưởng và phát triển tốt. Vì thế, việc xây dựng lán trại trồng nấm Rơm cũng cần phải đảm bảo đúng các tiêu chí kỹ thuật và các lưu ý dưới đây:
- Vệ sinh: trại trồng nấm Rơm phải luôn được giữ sạch sẽ, không có nguồn gây ô nhiễm và gây bệnh.
- Ánh sáng: nấm Rơm cần ánh sáng khuếch tán để phát triển tốt, tránh ánh nắng gay gắt chiếu trực tiếp.
- Nhiệt độ - Độ ẩm: cần duy trì ở mức thích hợp hoặc có hệ thống cửa để điều chỉnh độ thông thoáng khi cần thiết, giúp quả thể nấm Rơm phát triển tốt.
- Vật liệu: lán trại trồng nấm Rơm có thể được xây dựng bằng các vật liệu như tre, nứa, gỗ…hoặc các vật liệu hiện đại như sắt, thép. Ngoài ra, lán trại trồng nấm Rơm có thể thiết kế với nhiều kiểu dáng, như nhà vòm, hình chữ A…
Lán trại trồng nấm Rơm cũng là 1 phần quan trọng vì đó là nơi tạo điều kiện thuận lợi cho quả thể nấm phát triển, giúp người nông dân đạt hiệu quả và năng suất cao trong sản xuất.
2.3. Khử trùng, vệ sinh nhà trồng nấm Rơm
Công tác khử trùng cần được thực hiện trước khi chúng ta bắt đầu việc nuôi trồng nấm Rơm vì nó có thể loại bỏ các vi sinh vật gây hại, nấm mốc, vi khuẩn có hại, đảm bảo môi trường sạch sẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm Rơm.
Để khử trùng nhà trồng nấm Rơm, chúng ta sử dụng vôi sống có hạm lượng Cao > 60% và có 2 cách thực hiện như sau:
Cách 1: khử trùng nhà trồng nấm Rơm bằng vôi sống.
- Bước 1: trang bị đầy đủ đồ bảo hộ: khẩu trang, mũ, quần áo, giày…
- Bước 2: vệ sinh nền đất lán trại bằng chổi, cào, xẻng… để dọn dẹp sạch sẽ rác thải, bụi rậm trong và xung quanh lán trại trồng nấm Rơm.
- Bước 3: rải đều vôi sống trực tiếp xuống nền lán trại, xung quanh và toàn bộ giàn kệ. Đợi 2-3 ngày sau mới tiếp tục vào làm những công tác tiếp theo.
Sử dụng vôi tôi để khử trùng nhà trồng nấm Rơm
Cách 2: khử trùng nhà trồng nấm Rơm bằng nước vôi
- Bước 1: trang bị đầy đủ đồ bảo hộ: khẩu trang, mũ, quần áo, giày…
- Bước 2: pha nước vôi bằng cách sử dụng 4-5 kg vôi sống cho vào trong thau nhựa. Sau đó, cho nước sạch vừa đủ để khuấy tan đều.
- Bước 3: bổ sung thêm nước vào thùng pha dung dịch nước vôi vừa rồi cho đến vạch đo 100 lít rồi khuấy đều.
- Bước 4: vệ sinh nền đất lán trại bằng chổi, cào, xẻng… để dọn dẹp sạch sẽ rác thải, bụi rậm trong và xung quanh lán trại trồng nấm Rơm.
- Bước 5: cho dung dịch nước vôi vừa pha vào các bình tưới, sau đó phun đều lên khắp toàn bộ bề mặt và dụng cụ trong nhà trồng nấm Rơm. Chờ 2-3 ngày sau khô nền đất mới tiến hành thực hiện công tác tiếp theo.
Tham khảo: Chuyên đề 3 - Kỹ thuật trồng nấm Rơm trên rơm hiệu quả, năng suất cao.
3. Chuẩn bị dụng cụ trồng nấm rơm
3.1. Dụng cụ đo
- Giấy đo pH: dùng để đo độ pH trong nước vôi khi xử lý nguyên liệu và nguồn nước sử dụng để tưới nấm Rơm. Dựa vào kết quả đo, chúng ta có thể điều chỉnh độ pH cho phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của quả thể nấm Rơm.
- Nhiệt kế: dùng để đo nhiệt độ trong nhà trồng nấm Rơm, đống ủ nguyên liệu hay mô nấm khi trồng. Từ kết quả đo, giúp chúng ta phát hiện những thay đổi bất thường về nhiệt độ để kịp thời điều chỉnh sao cho phù hợp.
- Ẩm kế: là thiết bị đo độ ẩm không khí trong nhà trồng nấm Rơm hay độ ẩm nguyên liệu.
- Cân đồng hồ: giúp cân nguyên liệu, hoá chất đủ liều lượng trong trồng nấm.
Các thiết bị đo cần có khi trồng nấm Rơm
3.2. Dụng cụ xử lý nguyên liệu
a. Bể xử lý nguyên liệu: dùng để hoà nước vôi trong giai đoạn xử lý nguyên liệu làm giá thể trồng nấm Rơm.
Yêu cầu:
- Kích thước: tùy vào quy mô và diện tích sản xuất để thiết kế kích thước bể xử lý nguyên liệu sao cho phù hợp.
- Vật liệu: bể có thể được làm từ nhiều vật liệu như xi măng, gạch, thùng tôn…một số cơ sở trồng nấm Rơm còn đào hố đất sau đó dùng bạt bao quanh giữ nước và sử dụng.
Bể xử lý nguyên liệu trồng nấm Rơm
b. Bình tưới: Có 2 loại bình tưới thường được sử dụng trong quá trình nuôi trồng nấm Rơm, đó là:
- Bình tưới dạng phun sương dùng để tưới nước cho quả thể nấm trong quá trình trồng nấm Rơm.
- Bình tưới vòi sen dùng để tưới nước vôi trong quá trình xử lý nguyên liệu.
Bình tưới cần có khi trồng nấm Rơm
c. Kệ kê đống ủ
Nguyên liệu sẽ được kê lên kệ sau khi đã được xử lý và ngâm trong nước vôi, giúp quá trình thoát nước nhanh hơn và tạo độ thông thoáng cho đống ủ nguyên liệu.
d. Khuôn đóng mô nấm
Là dụng cụ dùng để để đóng mô nấm Rơm trong quá trình trồng với chất liệu thường làm bằng gỗ hoặc tôn.
khuôn đóng mô nấm Rơm có cấu tạo hình thang hoặc hình chữ nhật, mặt trong phẳng, mịn, 2 mặt phía trên và dưới hình chữ nhật, mặt trên nhỏ hơn mặt dưới và có tay cầm ở 2 đầu để thuận tiện nhấc lên đặt xuống.
Đọc thêm: Top 7 loại nấm ăn hữu cơ dinh dưỡng cao bạn nên biết.
e. Các dụng cụ khác:
Trong quá trình trồng nấm Rơm, bên cạnh những trang thiết bị cần thiết kể trên thì cũng cần bổ sung các dụng cụ khác như:
- Tấm nilong sạch, không rách, thủng có kích thước 0,5x0,5m dùng để gói mô nấm khi trồng trên mô gói.
- Các dụng cụ để trộn nguyên liệu như cào, xuống, xẻng…
- Cọc thông khí cho đống ủ nguyên liệu.
- Bạt che để đậy kín đống ủ.
Tới đây thì bạn đã sẵn sàng bắt đầu hành trình trồng nấm Rơm của mình chưa? Với những kiến thức về “xây dựng lán trại và thiết bị trồng nấm Rơm” mà Nấm Bốn Mùa vừa chia sẻ, hy vọng bạn sẽ có thêm cái nhìn tổng quan về quy trình trồng nấm Rơm.
Làng nấm Bốn Mùa sẽ tiếp tục chia sẽ những bài viết thú vị khác về cách trồng nấm Rơm. Các bạn hãy tiếp tục theo dõi nhé!