Trồng Nấm Rơm 2025: Quy trình trồng nấm Rơm trên rơm kiểu mới

Từ lâu, rơm rạ vốn chỉ được xem là một loại phế phẩm sau thu hoạch nhưng nay đã trở thành nguyên liệu vàng để nuôi trồng nấm Rơm - một sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho nông dân.

Vậy làm cách nào để từ những bó rơm rạ có thể hình thành nên những cây nấm Rơm tươi ngon, bổ dưỡng? Làng nấm Bốn Mùa sẽ bật mí toàn bộ quy trình trồng nấm Rơm trên rơm từ khâu chuẩn bị nguyên liệu tới thu hoạch. Cùng khám phá nhé!

Video hướng dẫn quy trình ủ rơm trồng nấm Rơm đúng chuẩn

I. Quy trình trồng nấm rơm trên rơm 

Quy trình trồng nấm Rơm trên rơm đạt năng suất cao gồm 5 bước, được thể hiện trong hình vẽ dưới đây:

Cach trong nam Rom tren rom nang suat cao, hieu qua tot.

Tham khảo: nấm Rơm sấy thăng hoa cao cấp - 100% Organic.

II. Chọn nguyên liệu trồng nấm Rơm

Để đảm bảo quá trình trồng nấm Rơm đạt năng suất cao và chát lượng thì việc lựa chọn nguồn nguyên liệu là rất quan trọng. Nên ưu tiên chọn rơm có các đặc điểm sau:

  • Khô ráo, sạch sẽ: Rơm không bị ẩm ướt, nấm mốc, côn trùng gây hại.
  • Màu sắc vàng sáng: Đảm bảo rơm có chất lượng tốt, giàu dinh dưỡng.
  • Không nhiễm hóa chất: Tránh sử dụng rơm đã tiếp xúc với thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại.
  • Loại rơm: Nên sử dụng rơm nếp vì chúng thường có chất lượng tốt hơn các loại rơm khác.

Cach trong nam Rom tren rom nang suat cao, hieu qua tot.

Cần chọn rơm chất lượng tốt để trồng nấm Rơm

Chuyên đề 1: Đặc điểm sinh trưởng của nấm Rơm như thế nào?

III. Xử lý nguyên liệu trồng nấm Rơm

3.1. Pha nước vôi

  • Mục đích: Tạo môi trường kiềm, tiêu diệt vi khuẩn gây hại, điều chỉnh độ pH phù hợp cho sự phát triển của nấm Rơm.
  • Cách thực hiện:
  • Sử dụng vôi tôi hoặc vôi sống cho vào thau sạch, lượng vôi sử dụng phụ thuộc vào lượng rơm cần xử lý sao cho sau khi pha, nước vôi có độ pH khoảng 12-13.
  • Cho nước vôi sau khi pha vào bể ngâm, bổ sung thêm nước sạch để đảm bảo nước ngập hết nguyên liệu. Kiểm tra và bổ sung vôi để đảm bảo độ pH đạt đúng chỉ số yêu cầu.

3.2. Xử lý nguyên liệu trồng nấm Rơm

Bước 1: ngâm rơm trong nước vôi

  • Lượng rơm tối thiểu cho 1 lần ngâm là 300kg.
  • Sử dụng các dụng cụ để đảo, trộn sao cho rơm ngấm đều trong nước vôi từ 10-15 phút.
  • Vớt rơm để trên kệ kê cho chảy bớt nước và kiểm tra độ ẩm của nguyên liệu với yêu cầu phải đạt từ 70-75%.
  • Để kiểm tra nguyên liệu sau khi ngâm, bạn lấy 1 lượng rơm nhỏ, dùng 2 tay vắt thật mạnh và nếu nước chảy thành dòng, đứt quãng là đạt yêu cầu. Rơm sau khi ngâm có màu vàng sáng và mùi thơm nồng của vôi.

Bước 2: Ủ đống rơm lần 1

Sau khi ngâm rơm trong nước vôi, chúng ta tiến hành ủ đống để tạo điều kiện cho các vi sinh vật có lợi phát triển, phân hủy chất hữu cơ trong rơm, tạo ra nguồn dinh dưỡng cho nấm Rơm.

  • Xếp đống rơm: Rơm đã ngâm được xếp thành đống trên một bề mặt sạch, khô ráo. Để đảm bảo quá trình hô hấp của vi sinh vật, chúng ta cần đặt các cọc tre hoặc gỗ vào giữa đống rơm.
  • Nén chặt: Trong quá trình xếp đống, rơm cần được nén chặt để tạo ra một khối đồng nhất. Việc nén chặt giúp tăng nhiệt độ bên trong đống ủ, thúc đẩy quá trình phân hủy.
  • Phủ bạt: Đống rơm sau khi xếp xong được phủ kín bằng bạt nilon. Việc phủ bạt giúp giữ nhiệt, độ ẩm và ngăn chặn sự xâm nhập của các vi sinh vật gây hại. Tuy nhiên, cần lưu ý để hở một phần ở chân đống và xung quanh các cọc tre để đảm bảo thông khí.
  • Kích thước đống ủ: Đống ủ không nên quá cao (khoảng 1,5m) để đảm bảo nhiệt độ phân bố đều. Nếu xử lý lượng rơm lớn, có thể chia thành nhiều đống nhỏ.
  • Bổ sung chất dinh dưỡng (nếu cần): Nếu chất lượng rơm không tốt, có thể bổ sung thêm các loại phân bón như urê, DAP, sunphat magie để cung cấp thêm dinh dưỡng cho nấm rơm.

Chuyên đề 2: Hướng dẫn cách làm nhà trồng nấm Rơm chuẩn từ A-Z.

Cach trong nam Rom tren rom nang suat cao, hieu qua tot.

Ủ đống nguyên liệu trồng nấm Rơm lần 1

Bước 3: Đảo và ủ đống rơm lần 2

Sau khi ủ đống rơm lần 1 được 3 - 4 ngày, chúng ta cần tiến hành đảo đống để đảm bảo quá trình phân hủy diễn ra đều và hiệu quả.

Mục đích đảo đống rơm lần 2 không chỉ đảm bảo sự phân bố đồng đều của nhiệt độ, độ ẩm mà còn kích thích hoạt động của các vi sinh vật có lợi, cung cấp dinh dưỡng và môi trường lý tưởng để trồng nấm Rơm hiệu quả và năng suất.

Cách thực hiện:

  • Tháo bạt: Tháo bỏ lớp bạt nilon bao quanh đống rơm, sau đó kiểm tra nhiệt độ trong đống ủ. Bạn dùng nhiệt kế đo nhiệt độ ở các vị trí khác nhau trên đống ủ và lấy kết quả trung bình. 
  • Chia đống: Dùng cào tơi bung đống rơm ủ ra, sau đó chia đống rơm thành hai phần: phần ngoài (gồm lớp rơm ở đáy và xung quanh) và phần trong (gồm lớp rơm rạ ở giữa đống ủ).
  • Kiểm tra độ ẩm: cách kiểm tra độ ẩm của rơm tương tự như bước 1 và điều chỉnh nếu cần.. Khi rơm quá khô thì bổ sung thêm nước vôi (pH 8-9), nếu quá ẩm thì tiếp tục tơi rộng ra để thoát bớt hơi nước.
  • Ủ lại lần 2:  Xếp lại đống rơm và tiến hành ủ nguyên liệu lần 2. Lưu ý là đảo vị trí của phần ngoài và phần trong để đảm bảo tất cả nguyên liệu đều được tiếp xúc với không khí và có điều kiện phân hủy giống nhau.

Bước 4: Làm tơi rơm

Sau khi trải qua quá trình ủ hai lần, đống rơm đã đạt được độ chín cần thiết. Đến bước này, chúng ta sẽ tiến hành làm tơi rơm để chuẩn bị cho công đoạn đóng mô và cấy giống nấm Rơm.

Cach trong nam Rom tren rom nang suat cao, hieu qua tot.

Làm tơi đống ủ nguyên liệu trồng nấm Rơm

Mục đích của việc làm tơi rơm là tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sinh trưởng của tơ nấm Rơm. Bằng cách làm tơi rơm, chúng ta có thể kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ và độ thoáng của môi trường từ đó nâng cao chất lượng và sản lượng trồng nấm Rơm hiệu quả.
Cách thực hiện:

  • Tơi rơm: Dùng cào hoặc tay để tơi đều đống rơm, phá vỡ các khối rơm lớn thành những phần nhỏ hơn để giảm nhiệt khoảng < 35°C.
  • Kiểm tra độ ẩm: Sau khi tơi rơm, chúng ta cần kiểm tra lại độ ẩm. Độ ẩm lý tưởng cho rơm vào thời điểm này là từ 70-75%. Để kiểm tra, bạn có thể nắm một nắm rơm và vắt nhẹ. Nếu nước chảy ra nhỏ giọt, chứng tỏ độ ẩm đã đạt yêu cầu.

IV. Đóng mô và cấy giống nấm Rơm

4.1. Chọn và tơi giống nấm Rơm

a. Chọn giống nấm Rơm:

Có thể lựa chọn giống nấm Rơm phát triển trên 2 loại cơ chất là: trên rơm hoặc trên hạt. Tuy nhiên, giống nấm Rơm lựa chọn phải đạt các yêu câu sau: sợi nấm phát triển đều, lan kín tới đáy túi, màu trắng hồng, không nhiễm nấm mốc và có mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ.

b. Tơi giống nấm Rơm

Trước khi cấy giống, cần vệ sinh sạch sẽ tay và dụng cụ bằng cồn. Sau đó, bẻ đôi giống nấm bằng tay và tách rời nhẹ nhàng các hạt giống, tránh vò nát làm tổn thương giống nấm Rơm.

Cach trong nam Rom tren rom nang suat cao, hieu qua tot.

Tơi giống nấm Rơm trên đống nguyên liệu

4.2. Xếp mô và cấy giống nấm Rơm

Có 3 phương pháp đóng mô trồng nấm Rơm phổ biến, đó là: mô luống, mô khối và mô gói.

a.Mô luống:

  • Chuẩn bị: vị trí xếp mô nấm phải sạch sẽ, được khử trùng và thoát nước tốt. Sau đó, bó rơm thành từng bó có đường kính 10-15cm, chiều dài bó rơm 40-50cm và xếp từng bó rơm sát vào nhau thành dãy, cắt gọn 2 đầu.
  • Cấy giống: cấy giống nấm Rơm xung quanh bìa luống, cách bìa luống 5-10cm và các điểm giống cách nhau 15cm. Cấy giống tương tự ở các lớp rơm tiếp theo, đảm bảo trong 1 luống nấm có đủ 5 lớp rơm và 4 lớp giống ( lớp thứ 4 cấy đều meo giống ở giữa luống và dọc theo suốt chiều dài luống). Lớp rơm cuối cùng làm đỉnh, phủ lên lớp meo nấm và xuôi chiều với chiều dài luống.
  • Đốt áo mô nấm: mục đích là để khử trùng và kích thích sợi nấm phát triển. Sau khi phơi khô bề mặt mô nấm 1-2 nắng, chúng ta phủ lên toàn bộ mô nấm 1 lớp rơm vụn, khô, dày 2-3cm và đốt cháy. Khi lửa vừa cháy qua thì dùng nước dập ngay. Quét tro tàn vào hai bên thành mô và phun sương lên 2 bên cho tro tàn thấm vào mô nấm.
  • Làm áo mô: thực hiện làm áo mô sau 5-6 giờ đốt áo mô hoặc sau 3-5 ngày nếu không đốt áo mô. Sau đó, rải đều 1 lớp rơm khô (không bị mục nát) có độ dày 7-10cm lên trên các mô nấm.

Cach trong nam Rom tren rom nang suat cao, hieu qua tot.

Mô luống trồng nấm Rơm

b. Mô khối:

  • Chuẩn bị: sử dụng khuôn để tạo hình cho mô nấm Rơm. Kiểm tra vị trí đặt mô nấm sao cho phù hợp với điều kiện phát triển của nấm Rơm và tiết kiệm diện tích, thuận tiện trong thao tác nuôi trồng sau này.
  • Cuộn tròn từng cuộn rơm với độ dày từ 7-10cm và chiều dài bằng với chiều ngang đáy dưới khuôn mô. Đặt từng cuộn rơm vào lòng khuôn mô, xếp sát vào nhau từ dưới lên trên sao cho mỗi khuôn mô có đủ 5 lớp rơm.
  • Cấy giống: cấy giống nấm Rơm vào giữa các tầng, cấy xung quanh mép khuôn, cách mép khuôn 3-5cm. Ở tầng thứ 4, cấy giống nấm Rơm rải đều trên bề mặt.
  • Cuối cùng, nhấc khuôn ra khỏi mô nấm Rơm và điều chỉnh lại hình dáng, độ cứng của mô nấm.
  • Đốt áo mô và làm áo mô: sau 5-6 giờ (nếu đốt áo mô) hoặc 3-5 ngày (không đốt áo mô) thì tiến hành rải 1 lớp rơm khô (không bị mốc, nhiễm bệnh) lên bề mặt và xung quanh mô với độ dày 7-10cm. 

Cach trong nam Rom tren rom nang suat cao, hieu qua tot.

Mô khối trồng nấm Rơm

c. Mô gói

  • Chuẩn bị: lựa chọn vị trí sạch sẽ, chuẩn bị khuôn để tạo hình cho mô nấm Rơm và tấm nilon có kích thước 0,5 x 0,5m.
  • Cấy giống: đặt khuôn nấm Rơm vào giữa tấm nilon, rồi cho lượng rơm khoảng ½ khuôn và nén chặt.
  • Cấy đường giống nấm Rơm xung quanh và cách thành khuôn 3-5cm, các điểm cấy giống khác cách đều nhau 2cm.
  • Tiếp tục, cho lớp rơm phủ kín lên lớp giống vừa cấy và nén chặt cho đến khi đầy khuôn.
  • Nhấc khuôn nấm ra và kéo tấm nilon gói chặt mô nấm.
  • Dùng dây buộc chặt gói mô nấm và chuyển các mô nấm vào nhà nuôi sợi.
  • Phủ kín khối mô nấm bằng bạt nilon để giữ nhiệt tốt hơn.

Cach trong nam Rom tren rom nang suat cao, hieu qua tot.

Mô gói trồng nấm Rơm

Như vậy, việc lựa chọn phương pháp đóng mô nấm Rơm phù hợp dựa vào nhiều yếu tố như diện tích đất, khí hậu, kinh nghiệm.... Vì thế, người trồng cần tính toán và cân nhắc để lựa chọn kỹ thuật phù hợp, giúp quá trình nuôi trồng nấm Rơm đạt năng suất cao.

Dưới đây là bảng so sánh giữa 3 kỹ thuật đóng mô trồng nấm Rơm mà Nấm Bốn Mùa đã tổng hợp. Các bạn cùng tham khảo!

Phương phápƯu điểmNhược điểm
Mô luốngDễ thực hiện, tiết kiệm chi phíPhụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, dễ bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh
Mô khốiQuản lý dễ dàng, chất lượng nấm Rơm đồng đều.Cần nhiều lao động, tốn diện tích
Mô góiTiết kiệm diện tích, dễ vận chuyểnChi phí cao, yêu cầu kỹ thuật cao

V. Nuôi sợi nấm Rơm

Sau khi đóng mô và tiến hành cấy giống nấm Rơm, việc kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình nuôi sợi là rất quan trọng vì đây là yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sợi nấm cung như năng suất của quá trình trồng nấm Rơm.Sau đây là những kỹ thuật để kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm để đảm bảo quá trình trồng nấm Rơm thành công.

5.1. Kiểm tra, điều chỉnh nhiệt độ mô nấm Rơm

a. Kiểm tra, điều chỉnh nhiệt độ mô luống và mô khối.

  • Sử dụng nhiệt kế để tiến hành đo nhiệt độ lõi mô nấm Rơm khi đã cấy giống được 3-4 ngày. Đầu nhiệt kế cắm sâu vào lõi mô 10-15cm, trong 3-4 phút trước khi đọc kết quả.
  • Nhiệt độ trong mô luống thích hợp nhất để sợi nấm Rơm phát triển là 38-40℃.
  • Nếu nhiệt độ trong mô nấm Rơm <35°C thì cần tăng nhiệt độ bằng cách phủ thêm lớp áo hoặc màng nilon (có đục lỗ). Ngược lại, nếu nhiệt độ trong mô nấm Rơm >45°C thì cần giảm nhiệt bằng cách thảo bớt lớp phủ.

b. Kiểm tra, điều chỉnh nhiệt độ mô gói.

  • Phương pháp kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ mô gói nấm Rơm cũng tiến hành tương tự như phương pháp mô luống và mô khối.
  • Sau khi đưa vào nhà nuôi sợi được 2-3 ngày, cần tiến hành thay đổi vị trí các gói mô ở trong ra ngoài và ở ngoài vào trong để tất cả các gói mô có nhiệt độ đồng đều nhau.

5.2. Kiểm tra, điều chỉnh độ ẩm mô nấm Rơm

Để kiểm tra độ ẩm của mô nấm Rơm, chúng ta lấy 1 nắm rơm ở lõi mô nấm,dùng 2 tay vắt mạnh và quan sát các đặc điểm sau:

  • Nếu không cảm nhận được độ ướt trên tay thì mô nấm Rơm thiếu nước, cần bổ sung thêm nước.
  • Nếu có nước chảy ròng ra ở các kẽ ngón tay là dư nước, cần tháo bỏ áo mô để nơi nước thoát ra dễ dàng, giảm bớt nước.
  • Nếu nước chỉ đủ làm ướt trong lòng bàn tay là độ ẩm mô nấm Rơm đủ và chất lượng.

VI. Chăm sóc và thu hái nấm Rơm trồng trên rơm

6.1. Kiểm soát yếu tố môi trường trồng nấm Rơm

Sau khoảng thời gian 7 - 9 ngày, hệ sợi nấm Rơm phát triển đầy đủ và quá trình hình thành quả thể bắt đầu diễn ra. Vì vậy, để đảm bảo việc trồng nấm Rơm phát triển tốt và đạt năng suất cao, bạn cần chú ý kiểm tra, điều chỉnh các yếu tố môi trường sau đây:

  • Nhiệt độ: thời điểm này, nhiệt độ trong mô nấm khoảng 32-35°C là tốt nhất. Để giảm nhiệt độ xuống, chúng ta tháo bỏ lớp áo mô, tăng cường thông thoát nhà trồng hoặc xả nước nền dưới chân mô nấm.
  • Độ ẩm:  tăng độ ẩm bằng cách phun sương nhẹ lên bề mặt mô nấm. Tần suất phun sương phụ thuộc vào điều kiện thời tiết cũng như giai đoạn phát triển quả thể nấm Rơm. Nếu trời nắng nóng, tưới 2-3 lần/ngày (tưới cho tới khi bề mặt mô có màu sẫm), nếu trời mát mẻ thì phun 1-2 lần/ngày và khi quả thể nấm Rơm ra dày và lớn hơn thì tăng cường số lần phun 3-4 lần/ngày.
  • Ánh sáng: duy trì ánh sáng khuếch tán và điều chỉnh cường độ chiếu sáng tùy theo giai đoạn phát triển của quả thể và màu sắc nấm Rơm.
  • Độ thông thoáng: khi nấm Rơm lớn và dày đặc, cần tăng cường độ thông thoáng để cung cấp lượng oxy cho quá trình hô hấp.

Cach trong nam Rom tren rom nang suat cao, hieu qua tot.

Môi trường ảnh hưởng rất nhiều tới sự phát triển của nấm Rơm

6.2. Kiểm soát mô nấm Rơm nhiễm bệnh

a.Kiểm tra côn trùng hại nấm Rơm:

  • Sự xuất hiện của các loại côn trùng như Chuột, Kiến, Mối…hay các miệng hang nhỏ là dấu hiệu nấm Rơm đã bị côn trùng gây hại.
  • Tiến hành đặt bẫy, rải hoặc xịt hóa chất để bắt và xua đuổi chúng.

b. Kiểm tra tơ nấm Rơm

  • Tơ nấm Rơm phát triển tốt sẽ có màu trắng sáng óng ánh, phủ kín toàn bộ mô nấm.
  • Nếu tơ nấm Rơm có màu sắc khác lạ (xanh, vàng, nâu, đen…) xuất hiện theo từng đốm nhỏ là đã bị nhiễm bệnh, cần xử lý ngay.

6.3. Thu hái nấm Rơm

Để đảm bảo chất lượng và có giá thành tốt, công tác thu hoạch nấm Rơm cũng là một khâu quan trọng và để đảm bảo đúng kỹ thuật, cần thực hiện các bước như sau:

  • Thời điểm thu hoạch: thu hoạch nấm Rơm khi quả thể hình trứng, nấm chưa bung dù.
  • Tiến hành thu hái nấm Rơm: dùng tay nhẹ nhàng tách quả thể nấm Rơm ra khỏi mô nấm, chọn quả thể nấm lớn hái trước, thu hoạch nhẹ nhàng tránh làm long gốc nấm. Loại bỏ những quả thể nấm Rơm bị sâu bệnh, dập nát hay quá già. Sắp xếp nấm Rơm vào rổ, thau…sao cho không bị dập, hư hỏng.

Tham khảo: Bảng giá nấm Mối đen mới nhất trên thị trường.

Như vậy, chúng ta đã cùng nhau khám phá "kỹ thuật trồng nấm Rơm trên rơm" hiệu quả, năng suất. Phương pháp trồng nấm Rơm này không những giúp bạn có thêm thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên.

Đừng bỏ lỡ các cách trồng nấm Rơm độc đáo và hiệu quả khác mà Làng nấm Bốn Mùa sẽ chia sẻ ở những bài viết tiếp theo nhé!