Trồng nấm Rơm 2025: Cách trồng nấm Rơm trên bông vải siêu dễ
Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao bông hạt, một nguyên liệu tưởng chừng như không có giá trị lại là nền tảng phát triển cho một loại nấm thơm ngon và bổ dưỡng như nấm Rơm? Và cách trồng nấm Rơm thành công trên bông hạt như thế nào? Cùng Làng nấm Bốn Mùa khám phá ngay thông qua chuyên đề này nhé!
Video quá trình trồng nấm Rơm trên giá thể bông vải
I. Quy trình trồng nấm rơm trên bông hạt
Quy trình trồng nấm Rơm trên bông hạt chuẩn kỹ thuật gồm 5 bước, được thể hiện qua Hình 1.1:
Chuyên đề 3: Kỹ thuật trồng nấm Rơm trên rơm kiểu mới, năng suất.
II. Cách chọn bông hạt trồng nấm Rơm
Bông hạt không chỉ là nguồn cung cấp dinh dưỡng mà còn là môi trường để tơ nấm phát triển khỏe mạnh. Vì thế để đảm bảo "trồng nấm Rơm thành công", năng suất trên bông hạt thì việc chọn nguyên liệu đầu vào chất lượng là vô cùng quan trọng và có thể dựa vào các yếu tố sau:
- Khô ráo: bông hạt ẩm dễ bị nấm mốc, dễ gây bệnh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nấm Rơm.
- Sạch sẽ: bông hạt không được lẫn các tạp chất khác như đất, cát, hóa chất…
- Không nhiễm mốc: bông hạt bị nhiễm mốc là nguồn gây bệnh cho tơ nấm Rơm.
Chất lượng bông vải ảnh hưởng tới năng suất nấm Rơm
III. Xử lý bông hạt trồng nấm Rơm
Bước 1: Pha nước vôi
Nước vôi có tác dụng khử trùng, điều chỉnh độ pH, tạo môi trường thích hợp cho tơ nấm phát triển, giúp quá trình trồng nấm Rơm hiệu quả và năng suất.
- Chuẩn bị: vôi tôi hoặc vôi sống, nước sạch, thau, que khuấy, giấy đo pH.
- Cách thực hiện:
- Cân lượng vôi tôi hoặc vôi sống vừa đủ lượng bông cần xử lý vào thau sạch. Hòa tan vôi vào nước, khuấy đều cho vôi tan hoàn toàn. Sử dụng giấy quỳ để kiểm tra và điều chỉnh sao cho độ pH đảm bảo ở mức 12-13.
- Đổ nước vôi vào bể chứa, châm thêm nước sạch sao cho ngập hết lượng bông cần xử lý và bổ sung thêm vôi tôi (nếu cần) để đảm bảo độ pH luôn đảm bảo.
Bước 2: Làm ướt bông hạt
Lượng bông tối thiểu cho mỗi lần xử lý nên là 50Kg và thời gian ngâm trong nước vôi từ 2-3 phút. Sau đó, vớt bông gòn ra kệ cho róc bớt nước.
Độ ẩm bông gòn sau xử lý đạt 65-70% là hợp lý rồi tiến hành kiểm tra độ ẩm của bông gòn bằng cách lấy 1 nắm bông trong lòng bàn tay, bóp mạnh và nếu thấy nước ướt nhẹ ở vân tay là đạt chuẩn.
Bước 3: Ủ đống bông hạt lần 1
- Lựa chọn nơi khô ráo, sạch sẽ để tiến hành ủ đống.
- Đặt 1 cọc thông khí vào giữa đống ủ và tiến hành xếp bông lên kệ.
- Nén chặt từng lớp bông khi xếp cho tới độ cao khoảng 15 - 20cm và tạo khối 40 đống ủ bông vuông, cân đối, phần trên thu nhọn.
- Dùng bạt nilon phủ kín toàn bộ đống ủ, để hở ở dưới chân và xung quanh cọc thông khí.
- Sau đó, dùng dây cố định xung quanh đống ủ.
- Thời gian ủ đống lần 1 kéo dài 3-4 ngày.
Bước 4: Đảo và ủ đống bông lần 2
- Dùng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ các vị trí khác nhau bên trong đống ủ.
- Nếu nhiệt độ trung bình trong đống ủ từ 60-70℃ thì cần tăng nhiệt độ ở lần ủ thứ 2 bằng cách phủ thêm các lớp nilon.
- Dùng dụng cụ để tơi đống ủ làm 2 phần: phần 1 là phần đáy và xung quanh đống ủ, phần 2 là phần ruột phía trong đống ủ.
- Đợi đống ủ nguội và tiến hành kiểm tra độ ẩm bằng cách lấy 1 nắm bông trong lòng bàn tay và bóp mạnh. Nếu nước chảy thành dòng hoặc nhỏ giọt tức là độ ẩm quá cao. Nếu nước ướt kẽ vân tay là đảm bảo. Còn nếu không thấy ướt kẻ vân tay thì thiếu độ ẩm, cần bổ sung thêm nước vôi có pH khoảng 8-9.
- Chất lại đống ủ, cho phần 1 vào trong và phần 2 ra ngoài và tiến hành ủ lần 2 trong 3-4 ngày và phương pháp ủ tương tự như lần 1.
Bước 5: làm tơi bông hạt
- Sử dụng dụng cụ để làm tơi bông hạt sau khi ủ.
- Bông phải được đánh tơi, vụn và đồng đều.
- Bông sau khi ủ không có mùi hôi, khó chịu mà có mùi thơm dễ chịu.
- Độ ẩm đảm bảo trong bông đạt từ 65-70% và cách kiểm tra độ ẩm tương tự như phương pháp nêu ở trên.
Chuyên đề 2: Cách làm nhà trồng nấm Rơm chuẩn từ A-Z
IV. Đóng mô và cấy giống nấm rơm
4.1. Chọn giống nấm rơm
Để đảm bảo quá trình trồng nấm Rơm thành công và năng suất, việc chọn giống nấm Rơm đảm bảo là rất quan trọng. Giống nấm Rơm đạt chuẩn sẽ có các tiêu chí cơ bản sau:
- Giống phát triển đồng đều: hệ sợi nấm Rơm phủ kín toàn bộ túi giống.
- Màu sắc đặc trưng: giống nấm Rơm khỏe có màu trắng hồng hoặc hồng thịt.
- Không nhiễm bệnh: giống nấm Rơm không xuất hiện các đốm mốc xanh, đen, cam…hoặc các màu sắc khác thường.
- Mùi thơm tự nhiên: giống nấm Rơm chất lượng tốt có mùi thơm đặc trưng và không có mùi lạ.
4.2. Làm tơi giống nấm rơm
Để quả thể nấm Rơm phân bố đều, đủ dinh dưỡng và phát triển tốt trong mô, bạn cần tơi giống nấm Rơm theo các bước như sau:
- Khử trùng dụng cụ và mặc đồ bảo hộ trước khi tiến hành tơi giống nấm Rơm
- Mở miệng túi giống nấm Rơm nhẹ nhàng và chia bịch giống nấm làm 2 phần.
- Nhẹ nhàng tách rời các hạt giống nấm giúp tơ nấm dễ dàng phát triển đồng đều, tránh vò mạnh làm nát tơ nấm Rơm.
4.3. Xếp mô và cấy giống
a. Xếp mô và cấy giống theo kiểu mô khối
Phương pháp trồng nấm rơm theo mô khối là một kỹ thuật phổ biến, có thể áp dụng cả trong nhà và ngoài trời. Quy trình thực hiện cụ thể như sau:
- Chuẩn bị vị trí: Chọn vị trí đặt mô nấm đảm bảo thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp và gió lùa mạnh.
- Tạo khuôn: Cho 1 lớp bông có độ dày 7-10cm làm đáy khuôn, nén chặt và tạo bề mặt phẳng, đồng đều. Cấy giống nấm Rơm theo đường vòng quanh mép khuôn, cách mép khoảng 3-5cm. Tiếp tục xếp các lớp bông tiếp theo và cấy giống xen kẽ tương tự như lớp 1 sao cho mỗi khuôn đảm bảo đủ 4 lớp giống và 5 lớp bông.
- Hoàn thiện mô: sử dụng rơm khô đã qua xử lý, không bị nấm mốc hay mục nát để làm lớp áo mô. Dùng tay rải đều rơm khô lên các mô nấm, lớp áo mô có độ dày đồng đều 7-10cm.
b. Đóng gói và cấy giống theo kiểu mô gói
Phương pháp đóng gói mô nấm là một kỹ thuật phổ biến trong trồng nấm rơm, đặc biệt khi trồng trong nhà. Quy trình thực hiện như sau:
Chuẩn bị: Chọn vị trí sạch sẽ, thoáng mát để tiến hành đóng gói. Trải tấm nilon kích thước 50x50cm lên bề mặt phẳng.
Tạo hình mô nấm:
- Đặt khuôn vào giữa tấm nilon.
- Cho bông đã tơi nhỏ vào đáy khuôn, nén chặt sao cho lượng bông dày khoảng ½ khuôn.
- Cấy giống nấm Rơm theo đường vòng quanh, cách mép khuôn 3-5cm, các điểm giống cấy cách nhau khoảng 2cm.
- Phủ lớp bông lên trên bề mặt giống và nén chặt sao cho đầy khuôn.
Hoàn thiện mô nấm:
- 1 tay nhấc khuôn còn tay kia nén chặt gói mô nấm.
- Kéo 4 góc tấm nilon lên và dùng dây buộc kín gói mô nấm lại.
- Đưa các mô nấm Rơm vào nhà nuôi sợi và phủ kín khối mô nấm bằng bạt nilon để giữ nhiệt.
Tham khảo: nấm Mối đen tươi Loại 1 - 100% Hữu cơ, đặc sản miền Nam.
V. Nuôi sợi nấm Rơm
5.1. Kiểm tra, điều chỉnh nhiệt độ mô nấm
a. Kiểm tra, điều chỉnh nhiệt độ mô khối
- Sử dụng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ bên trong mô nấm sau 3-4 ngày cấy giống. Duy trì nhiệt độ trong mô nấm thích hợp nhất là 35-42℃
- Khi nhiệt độ trong mô nấm Rơm dưới 35℃ hoặc trên 45℃ thì cần có biện pháp để tăng hoặc giảm nhiệt sao cho phù hợp với điều kiện sống của nấm Rơm.
- Tiếp tục duy trì nhiệt độ và môi trường mô nấm ổn định trong 5-7 ngày từ khi cấy giống để hệ sợi nấm sinh trưởng và phát triển ổn định. Sau đó, hạ dần nhiệt độ và chuyển sang giai đoạn thu hái quả thể nấm Rơm.
b. Kiểm tra, điều chỉnh nhiệt độ mô gói
- Phương pháp kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ mô gói tương tự như phương pháp mô khối. Lưu ý trong quá trình nuôi sợi nấm, bạn cần thay đổi vị trí các gói mô để tất cả các gói mô tiếp nhận nhiệt độ giống nhau.
5.2. Kiểm tra, điều chỉnh độ ẩm mô nấm
Để biết được độ ẩm trong mô nấm Rơm có đảm bảo hay không, bạn rút 1 lượng bông ở giữa mô (sâu khoảng 10cm) và bóp mạnh nếu:
- Không cảm thấy ướt giữa các kẽ ngón tay là thiếu độ ẩm, cần bổ sung thêm nước cho mô nấm.
- Cảm nhận lòng bàn tay có nước làm ướt nhẹ giữa các vân tay thì độ ẩm đạt yêu cầu.
- Còn nước chảy thành dòng hoặc nhỏ giọt là dư độ ẩm.
5.3. Kiểm tra, xử lý mô nấm nhiễm bệnh
a. Kiểm tra côn trùng gây hại nấm
- Mô nấm xuất hiện các côn trùng hay động vật gây hại như kiến, mối, chuột…thì cần tiến hành đặt bẫy hoặc rải hóa chất để xua đuổi.
b. Kiểm tra sự phát triển của tơ nấm
- Màu sắc của tơ nấm Rơm phản ánh được tình trạng của mô nấm. Khi tơ nấm có màu trắng sáng, óng ánh và phủ đều khắp bề mặt mô nấm là phát triển tốt, bình thường. Còn nếu tơ nấm Rơm có màu khác lạ như xanh, vàng, đen…thì tơ đang bị nhiễm bệnh.
- Trong trường hợp phát hiện ra mô nấm bị nhiễm bệnh cần cách ly ra xa khỏi khu vực nhà trồng. Tiến hành hòa nước vôi đặc và tưới lên các vị trí mô nhiễm bệnh để tránh lây bệnh sang các mô khỏe mạnh.
- Mô nấm Rơm bị nhiễm bệnh phải vận chuyển cách xa nơi nuôi trồng vàxử lý như sau: rắc vôi bột lên các chỗ giá thể nhiễm bệnh, kiểm tra và tiêu hủy nếu mô nấm bị hư hỏng nặng (nhiễm ½ bề mặt mô).
Với những kiến thức trong chuyên đề “hướng dẫn cách trồng nấm Rơm trên bông hạt” mà Làng nấm Bốn Mùa vừa chia sẻ, hy vọng rằng bạn đã sẵn sàng để trở thành một người trồng nấm chuyên nghiệp.
Việc trồng nấm Rơm trên bông hạt không chỉ giúp bạn tự cung cấp cho gia đình 1 loại thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng mà còn mở ra cơ hội kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập. Hãy mạnh dạn thử sức và chia sẻ thành quả của bản thân với mọi người nhé!