Trồng Nấm Rơm 2025: Đặc Điểm Sinh Trưởng Của Nấm Rơm

Nấm Rơm không chỉ là món ăn quen thuộc trên mâm cơm gia đình Việt mà đây còn là loại nấm mang lại giá trị kinh tế rất cao.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường, việc trồng nấm Rơm đã trở thành một ngành nghề đầy hứa hẹn. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những “đặc điểm sinh học của nấm Rơm” để bạn từng bước làm chủ quy trình nuôi trồng hiệu quả loại nấm này nhé.

I. Đặc điểm hình thái của nấm rơm 

Nấm Rơm là một loại nấm ăn hữu cơ quen thuộc và được nhiều người yêu thích tại Việt Nam. Nấm có hình dạng đặc trưng với mũ nấm tròn, hơi nhọn ở đỉnh, giống như 1 chiếc ô nhỏ. Thịt nấm Rơm có màu trắng ngà, mềm, dễ gãy và có mùi thơm đặc trưng.

Dac diem sinh hoc cua nam Rom.

nấm Rơm là loại thực phẩm quen thuộc của người dùng Việt

Màu sắc của nấm Rơm thường thay đổi từ trắng xám khi còn non sang nâu xám hay xám đen khi trưởng thành. Nấm Rơm thường mọc thành cụm, sinh trưởng và phát triển trên các loại rơm rạ và nhiều nguyên liệu khác.

Tham khảo: Chuyên đề 2 - Thiết kế nhà trồng nấm Rơm từ A-Z

II. Có bao nhiêu loại nấm Rơm

Nấm Rơm được sử dụng rộng rãi và xuất hiện nhiều trên thị trường nhưng bạn đã biết có bao nhiêu loại nấm Rơm và phân loại dựa trên những tiêu chí gì chưa? Cùng tìm hiểu thông tin sau đây nhé:

  1. Xét về màu sắc: nấm Rơm có 3 màu sắc chính, đó là trắng, xám và xám đen. Màu sắc khác nhau có thể là do giống hoặc do nấm đang ở trong những giai đoạn phát triển khác nhau.
  2. Xét về phương pháp trồng: có 2 phương pháp trồng nấm Rơm là trong nhà kính và trồng ngoài điều kiện tự nhiên. Trồng nấm Rơm trong nhà kính giúp nấm phát triển tốt, quả thể đồng đều, chất lượng cao nhưng chi phí lớn. Trồng nấm Rơm ở điều kiện tự nhiên thì tiết kiệm chi phí nhưng chất lượng kém đồng đều và dễ bị sâu bệnh.
  3. Xét về giống nấm: nấm Rơm được chia làm 2 loại là giống địa phương và giống cải tiến. Giống nấm Rơm địa phương cho quả thể ngon, giòn, ngọt và được thị trường ưa thích nhưng quả thể nhỏ, nhanh bung dù, không đồng đều. Còn giống nấm Rơm cải tiến thì quả thể đồng đều hơn, lâu bung dù, thu hoạch nhanh, sản lượng cao nhưng chất lượng và hương vị kém hơn.
  4. Xét về nguyên liệu trồng: hiện nay, ngoài nguyên liệu quen thuộc là rơm rạ thì đã có khá nhiều nguyên liệu khác được sử dụng để trồng nấm Rơm như: bông vải, mùn cưa, lục bình, bã mía, lõi bắp…và mỗi loại nguyên liệu lại có những ưu, nhược điểm khác nhau.

Dac diem sinh hoc cua nam Rom.

Có thể chia nấm Rơm thành nhiều loại khác nhau

Tham khảo: Kỹ thuật trồng nấm Mối đen tại nhà từ A - Z

III. Dinh dưỡng để trồng nấm Rơm

1. Đường

Để trồng nấm Rơm đạt năng suất cao cần cung cấp lượng đường rất lớn vì đường là thành phần chính để cấu trúc nên sợi nấm và quả thể nấm Rơm. Các loại đường mà nấm Rơm có thể hấp thu cũng rất đa dạng như:

  • Đường gluco, đường mía: nấm Rơm hấp thu trực tiếp các nguồn đường này.
  • Đường từ các hợp chất cellulose, tinh bột như: rơm rạ, mùn cưa, bột cám gạo, bột bắp… Tuy nhiên, để có thể hấp thụ được những loại đường này thì nấm Rơm phải sinh ra các men phân giải để chuyển về dạng đơn giản hơn.

2. Đạm

Cần cung cấp đầy đủ lượng đạm trong tất cả quá trình sinh trưởng và phát triển để đảm bảo quá trình trồng nấm Rơm năng suất, hình thành nên quả thể nấm to và chất lượng.

Nấm Rơm có thể hấp thụ cả nguồn đạm hữu cơ và vô cơ như: pepton, acid amin, ure, sunphat amon, diamon phosphat… Tùy thuộc vào giống và phương pháp nuôi trồng nấm Rơm mà chúng ta cần lựa chọn nguồn đạm và liều lượng cung cấp phù hợp.

3. Chất khoáng + Vitamin

Nguồn khoáng và Vitamin cung cấp đầy đủ giúp cho quả thể nấm Rơm chất lượng hơn, thịt nấm tăng vị ngọt, chắc, giòn hơn, góp phần nâng cao giá trị dinh dưỡng và nâng tầm hương vị của món ăn.

Nguồn Vitamin và khoáng chất cung cấp cho nấm Rơm có thể từ:

  • Nguồn khoáng đa lượng: Canxi bổ sung từ bột nhẹ (CaCO3), thạch cao (CaSO4).
  • Kali, photpho, nitơ được bổ sung từ phân lân, urê,…
  • Vitamin B1, B6, H… được lấy từ các loại bột cám bắp, cám gạo.

4. Nước

Nước là thành phần quan trọng vì nó chiếm 80-90% trọng lượng quả thể nấm Rơm. Ngoài ra, độ ẩm cơ chất phải đạt từ 65-75% thì bào tử mới có khả năng nảy mầm và sợi nấm phát triển để hình thành nên quả thể nấm Rơm.

Nếu thiếu nước thì sợi nấm sẽ chết, quả thể nấm Rơm không hình thành hoặc hình thành nhưng còi cọc, kích thước bé. Chất lượng nước cũng ảnh hưởng tới chất lượng và năng suất nấm Rơm vì thế cần sử dụng nguồn nước sạch, không nhiễm phèn, nhiễm mặn.

Dac diem sinh hoc cua nam Rom.

4 yếu tố về dinh dưỡng ảnh hưởng sinh trưởng của nấm Rơm

IV. Môi trường trồng nấm Rơm

1. Nhiệt độ nhà trồng nấm Rơm

Nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng và năng suất trồng nấm Rơm và nhiệt độ cũng thay đổi tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển riêng của quả thể nấm.

  • Giai đoạn nuôi sợi: nhiệt độ thích hợp nhất cho nấm Rơm là: 35 - 40℃.
  • Giai đoạn hình thành quả thể: nhiệt độ thích hợp nhất từ 30 - 32℃.

Vì thế, người trồng nấm Rơm cần nắm rõ thông tin để điều chỉnh sao cho phù hợp, góp phần giúp nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm.

Tham khảo: Chuyên đề 3 - Kỹ thuật trồng nấm Rơm trên rơm hiệu quả, năng suất cao.

2. Độ ẩm trồng nấm Rơm

Có 2 loại độ ẩm cần lưu ý để quá trình trồng nấm Rơm đạt năng suất cao, đó là: độ ẩm cơ chất và độ ẩm không khí.

Trong quá trình nuôi trồng nấm Rơm, chúng ta cần kiểm tra và điều chỉnh độ ẩm sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của quả thể nấm như sau:

  • Giai đoạn nuôi sợi nấm: độ ẩm cơ chất thích hợp cho sợi nấm Rơm phát triển là 70-75%, còn độ ẩm môi trường không khí là 70 - 80%.
  • Giai đoạn hình thành quả thể: độ ẩm cơ chất thích hợp từ 65 - 70%, độ ẩm không khí thích hợp từ 85 - 95%.

Độ ẩm cơ chất phản ánh lượng nước có trong cơ chất, nguyên liệu trồng nấm Rơm. Còn độ ẩm không khí phản ánh lượng hơi nước có trong môi trường không khí.

3. pH trồng nấm Rơm

Độ pH phù hợp cho sợi nấm Rơm sinh trưởng và phát triển nằm ở khoảng trung tính, tức từ 7,0 - 7,5. Nếu pH cơ chất chuyển sang độ chua (pH<6) hay chuyển sang kiềm (pH>9) thì sợi nấm phát triển kém và không hình thành ra quả thể, quá trình trồng nấm Rơm thất bại.

4. Ánh sáng khi trồng nấm Rơm

Tùy vào từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển mà nấm Rơm cần cường độ và thời gian chiếu sáng khác nhau.

  • Giai đoạn nuôi sợi: giai đoạn này, nấm Rơm không cần ánh sáng vì có thể gây chết sợi nấm.
  • Giai đoạn hình thành quả thể: nấm Rơm cần ánh sáng khuếch tán để kích thích sự hình thành và phát triển của quả thể đồng thời điều chỉnh màu sắc. Có thể sử dụng nguồn sáng tự nhiên hoặc nhân tạo, với tần suất từ 2 - 3 lần/ngày và thời gian chiếu sáng khoảng 60 - 90 phút/lần.

5. Độ thông thoáng nhà trồng nấm Rơm

Nhà trồng nấm Rơm có độ thông thoát tốt giúp trao đổi lượng oxy trong môi trường không khí dễ dàng. Trong giai đoạn hình thành quả thể cần độ thoáng khí cao hơn so với giai đoạn nuôi sợi và khi quả thể nấm Rơm càng phát triển thì đòi hỏi độ thoáng khí càng cao.

Dac diem sinh hoc cua nam Rom.

5 Yếu tố môi trường ảnh hưởng phát triển của nấm Rơm

Đọc thêm: Lưu ý kỹ thuật quan trọng khi trồng nấm Hầu Thủ

Trồng nấm Rơm không chỉ là 1 nghề có chi phí đầu tư thấp mà còn mang lại thu nhập ổn định. Với những kiến thức đã chia sẻ về "đặc điểm sinh học của nấm Rơm", Làng nấm Bốn Mùa hy vọng bạn đã có những hiểu biết về đặc điểm sinh học của nấm Rơm. Hãy tiếp tục đón xem những phần tiếp theo nhé!